TBVĐ- Ai một lúc nào đó rồi cũng phải chết. Tuy nhiên, tại Đức, ngay cả cái chết cũng phân chia không đều. Theo Tổng cục Thống Kê Liên bang tại Wiesbaden, số người qua đời ở các tiểu bang Đông Đức nhiều hơn Tây Đức đến 18%.
Tại 5 tiểu bang phía đông, cứ 100 000 người có 1222 người chết, tại Tây Đức chỉ có 1031. Tại Sachsen-Anhalt, con số này lên đến 1316, ở Sachsen cũng trên mức trung bình 1222, trong khi tại Baden- Württemberg chỉ có 930 người. Đa số người qua đời vì bệnh ung thư và tim mạch, tuần hoàn. Cả tỷ lệ qua đời vì những căn bệnh này cũng phân chia không đều.
Tại Sachsen- Anhalt, trong 100 000 người có 351 chết vì ung thư, 593 vì bệnh tuần hoàn và tim mạch. 314 trong số 100 000 người tại Sachsen chết vì khối u, 574 vì bệnh tim. Ở phía Nam và Tây Nam, người dân rõ ràng mạnh khoẻ hơn.
Tại Baden-Württemberg chỉ có 240 người chết vì ung thư trong số 100 000 người, tại Bayern 251. Ở khu vực Tây Nam, chỉ có 371 người chết vì bệnh tim và tuần hoàn máu, giữa Hof và Rosenheim 410 người.
Những con số trên cho thấy, nguy cơ qua đời vì ung thư tại Sachsen-Anhalt nhiều hơn Baden- Württemberg 50%. Nguyên nhân do hậu quả các sản phẩm hóa học thời DDR, chăm sóc y khoa tệ hơn, hay đơn giản do khác biệt cấu trúc tuổi tác? Có thể giải thích phần lớn khác biệt do tình trạng di cư ồ ạt từ Đông sang Tây trong vòng 25 năm qua, đặc biệt ở giới trẻ, khiến dân số tại các tiểu bang Đông Đức bị già hóa.
Theo số liệu thống kê, đặc biệt khỏe mạnh là người dân tại Baden-Württemberg, Bayern và Berlin, 3 tiểu bang với tỷ lệ người trẻ tuổi nhập cư cao. Việc người già thường bị bệnh ung thư, tim mạch và qua đời không đáng ngạc nhiên. Nhưng đó chưa phải tất cả nguyên nhân.
Các nhân viên thống kê còn tự tính toán tỷ lệ bệnh và qua đời của „dân cư tiêu chuẩn“. Kết quả cho thấy, người dân phía Đông bị bệnh nhiều hơn. Giữa biển Baltic và khu Erzgebirge, khoảng 8% người qua đời nhiều hơn giữa biển Bắc và vùng núi Alpen. Cách biệt số người qua đời vì khối u thậm chí tận18%, bệnh tim gần 22%.
Theo các nhân viên y tế, người Đông Đức bị bệnh nhiều hơn do áp lực môi trường, thói quen ăn uống. Ngoài ra, có thể do các chất có hại còn sót của công nghiệp DDR, từ Wismut đến Schkopau, và cả dịch vụ chăm sóc y tế không tốt, đặc biệt ở vùng quê. Hiện, đối với bệnh ung thư, nhận biết bệnh sớm có thể cứu được mạng người. Phát hiện quá muộn, bệnh nhân sẽ hết hi vọng sống. Nhưng làm sao có thể nhận biết bệnh kịp thời khi gặp bác sĩ quá khó.
Ngọc Chiến (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!