Chiều 16 tháng 1 vừa qua, anh Tân, chủ một cửa hàng di động ở Hoài Đức – Hà Nội đã nhận được một chiếc phong bì có tên mình. Chưa hết ngạc nhiên vì người đưa thư không phải là nhân viên bưu điện, anh lại tiếp tục phát hiện ra bên trong phong bì là số tiền anh bị mất cắp cách đây ba năm, kèm theo một bức tâm thư.
Anh Tân (26 tuổi) chia sẻ, cách đây ba năm anh đã bị mất ví ngay trong chính cửa hàng điện thoại của mình. Thời điểm đó, không hy vọng sẽ nhận lại được tiền, anh Tân vẫn đăng thông tin lên Facebook cá nhân, mong người lấy cắp sẽ trả lại cho anh những giấy tờ quan trọng. Hai ngày sau, chiếc ví được gửi trả lại cho anh với đầy đủ toàn bộ giấy tờ. Câu chuyện mất ví, mất tiền không may mắn này tưởng chừng đã khép lại ở đây.
Tuy nhiên, ba năm sau, vào ngày đầu tiên của tháng Chạp, một người lạ đến cửa hàng của anh Tân để gửi anh một chiếc phong bì. Khi nhìn thấy tên mình trong phần “Người nhận”, nhưng không có tên người gửi cùng địa chỉ, hơn nữa người chuyển thư cũng không phải là nhân viên bưu điện, anh Tân khá lo lắng. Tuy vậy, vì đang ở cùng với người nhà và hàng xóm, anh nhận chiếc bì thư khá dày.
Khi mở thư, hai vợ chồng anh không khỏi ngạc nhiên, bởi trong đó là một xấp nhiều tờ 500 nghìn cùng một bức thư viết tay nhỏ. Đọc thư, anh Tân không tin vào mắt mình, đây chính là số tiền anh bị mất cắp cách đây ba năm. Chia sẻ với phóng viên của trang Zing.vn, anh Tân không giấu được sự ngạc nhiên của mình. Ngạc nhiên vì nhận lại được số tiền đã mất, nhưng ngạc nhiên hơn nữa vì bức tâm thư mà tên trộm đã gửi cho anh.
Nội dung bức tâm thư ngắn gọn, nhưng đã nói lên trọn vẹn “nỗi lòng” của con người đã nhất thời bị “vật chất che mờ lý trí” năm xưa.
“13/1/2018. Gửi Tân. Chắc Tân ngạc nhiên lắm khi nhận được số tiền này phải không? Đây là số tiền của bạn. Bạn còn nhớ lần ở cửa hàng bạn làm mất ví và tôi là người khách đến vì lòng tham tức thời đã lấn át hết lý trí và tự trọng của bản thân, tôi là người đã lấy ví của bạn ngày đó.
Dù đã trả lại bạn ví nhưng số tiền trong ví tôi đã dùng cho bản thân mình. Từ ngày đó, tôi luôn áy náy, day dứt và xấu hổ vì việc làm của mình.
Nay tôi xin gửi lại bạn số tiền thuộc về bạn, mong bạn nhận lại và tha thứ cho kẻ trộm giấu mặt này nhé. Cảm ơn và chúc bạn cùng gia đình Hạnh phúc – An lành”.
Anh Tân chia sẻ, cách hành xử của tên trộm này đã khiến anh cảm động. Số tiền nhận lại được không có giá trị quá lớn với anh ở thời điểm hiện tại. Nhưng anh rất mừng vì biết rằng, người kia vẫn là con người có lương tri, khi tiêu số tiền không phải của mình, họ vẫn biết hối hận và day dứt. Thậm chí, họ đã mang theo tâm trạng nặng nề ấy ba năm trời, và cuối cùng có lẽ cũng đủ điều kiện để trả lại cho anh số tiền đã lấy. Đây là điều không dễ tìm thấy trong thời hiện đại, khi mà con người nhiều khi không đủ lý trí để vượt lên những cám dỗ đến từ vật chất.
Đó là lý do, anh Tân thực sự muốn cảm ơn tên trộm, hành động dũng cảm nhận lỗi và hoàn trả lại số tiền đã mang lại cho anh Tân niềm tin, trong cuộc sống này con người ta vẫn còn có thể sống đúng với lương tâm của mình. Hơn nữa, anh cũng rất mừng khi biết người lấy trộm tiền của anh đã có thể cất được gánh nặng tâm lý đã mang bấy lâu.
Tuy nhiên, khi câu chuyện của anh Tân được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ sự hoài nghi về tính chân thật của câu chuyện. Đi sâu vào các bình luận, có lẽ nhiều người sẽ chợt cảm thấy buồn khi nhận ra rằng ngày nay, niềm tin của chúng ta vào những điều thiện lành, những hành động đúng với lương tâm lại trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Tự bao giờ con người ta không còn dám tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống?
Đây cũng là lý do mà anh Tân muốn chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng Internet, mặc dầu ban đầu anh không muốn thực hiện điều này. Anh Tân nghĩ rằng câu chuyện của người trộm đặc biệt sẽ góp thêm một tia hy vọng, một tia niềm tin cho mỗi người: Không thể phủ nhận những mảng đen của xã hội hiện thời, cũng giống như khoảnh khắc người trộm để lòng tham lấn át lý trí của mình. Tuy nhiên, cuộc sống này sẽ tốt đẹp lên biết bao nhiêu khi con người ta nhận ra mình đã sai, lại gây dựng được cho mình lòng can đảm để nhận lỗi và sửa lỗi. Như khi nhìn bức tâm thư của tên trộm lạ lùng, liệu có ai không mỉm cười và cảm thấy có thể bỏ qua.
“Lương tri” có lẽ không phải là “một điều xa xỉ” như trong một bình luận dưới câu chuyện đáng quý này. Nó đơn giản là bài học đạo đức đầu đời mà chúng ta vẫn học:Con người sẽ mắc sai lầm, nhưng một con người đúng nghĩa sẽ nhận ra sai lầm của mình, ân hận vì đã làm sai để rồi sửa lỗi.
Nhưng có lẽ cuộc sống kim tiền của hôm nay đang khiến chúng ta quên mất bài học giản dị nhưng căn bản ấy…
Theo Hy Văn / DKN.TV