Trên hết, ý thức tôn trọng luật pháp của người Đức là rất cao, điều đó được thể hiện một phần trong văn hóa tham gia giao thông.
Tôi có bằng lái và lái xe ở Việt Nam một thời gian trước khi chuyển tới Đức làm việc. Mới đầu qua, tôi chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng vì một phần do chưa quen việc lái xe bên này và sống một mình nên cũng không có nhu cầu đi lại nhiều. Hệ thống giao thông công cộng ở Đức rất tốt và đúng giờ.
Khi gia đình chuẩn bị chuyển qua Đức sống cùng, tôi mới mua một chiếc xe cũ để làm quen với việc lái xe bên này, tới lúc gia đình qua đi lại cho tiện. Vì thế tôi phải học và thi đổi lại bằng lái xe. Tất cả bằng lái nước ngoài chỉ có hạn sử dụng trong vòng 6 tháng từ ngày đăng ký địa chỉ nhà ở Đức và chỉ hợp lệ khi được dịch qua tiếng Đức bởi một tổ chức được chỉ định, thông thường là ADAC.
Việc cho phép lái xe sử dụng bằng lái nước ngoài trong 6 tháng giúp những người đi du lịch hoặc ở Đức ngắn hạn có thể lái xe mà không phải đổi bằng. Sau thời gian 6 tháng, tất cả những bằng lái xe nước ngoài đều cần phải đổi sang bằng lái Đức. Việc đổi như thế nào thì tùy vào việc bằng lái đó được cấp ở quốc gia nào. Ví dụ, bằng lái được cấp ở một nước EU khác, thông thường sẽ được đổi qua bằng Đức mà không phải thi lại. Còn đa số bằng lại ở những nước khác đều phải thi lại cả lý thuyết và thực hành.
Lấy bằng lái xe ở Đức như thế nào?
Tất cả mọi người muốn thi (kể cả lần đầu hoặc thi đổi bằng) đều phải đăng ký ở một trường dạy lái xe. Những người học lần đầu thì việc tham gia học lý thuyết là bắt buộc. Những người thi đổi bằng không bắt buộc phải tham gia học lý thuyết mà có thể luyện thi online bằng tài khoản được cung cấp bởi trường dạy lái xe. Những người nước ngoài có thể thi lý thuyết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Bộ đề luyện thi lý thuyết sẽ gồm hơn 1.000 câu hỏi, đề thi 30 câu. Sau khi thi đậu lý thuyết thì mới được sắp xếp học thực hành.
Thời lượng học thực hành sẽ do thầy giáo quyết định, tùy vào việc bạn học nhanh hay chậm. Lúc nào thầy dạy thực hành thấy bạn đã sẵn sàng cho việc thi thì mới cho thi. Bạn sẽ phải trả tiền cho mỗi giờ học thực hành đó, giá tùy trường và tùy vùng nhưng thông thường khoảng 30-40 Euro. Đối với một người mới bắt đầu từ đầu, thông thường sẽ phải trả ít nhất là 2.000 Euro để có bằng lái xe. Có những trường hợp phải trả nhiều hơn do học lái chậm hoặc thi trượt hoặc học lại nhiều lần.
Để đỗ lý thuyết là khá khó nếu không nắm rõ luật, có nhiều câu lý thuyết có cả video và đòi hỏi người thi phải quyết định xử lý tình huống như thế nào. Nhưng khó nhất vẫn là thi thực hành. Phần thi thực hành khoảng 45 phút, có thể ngắn hơn nếu giám thị thấy có đủ lý do để cho bạn trượt. Trên xe, thầy giáo dạy bạn ngồi ghế trước, giám thị ngồi phía sau. Bạn sẽ phải lái trong phố, đường nông thôn và trên cao tốc Autobahn. Người thi sẽ phải trải qua đa số những tình huống thông thường trên đường như:
Lái đúng tốc độ tối đa cho phép: trong phố, nếu không có biển báo hạn chế thì tốc độ tối đa là 50 km/h. Khu đông dân cư sẽ có biển giới hạn 30 km/h. Nếu gặp xe bus đang dừng đón khách và có đèn nhấp nháy, muốn vượt thì phải vượt bằng tốc độ đi bộ (10 km/h trở xuống).
Nhường đường ở ngã tư đường đồng cấp, nhường đường khi đường hẹp. Xi-nhan khi ra khỏi vòng xuyến. Nhường đường cho xe đạp và người đi bộ khi có vạch người đi bộ hoặc rẽ ở ngã ba, ngã tư. Quan sát kính chiếu hậu bên trong, bên ngoài, điểm mù trước khi xi-nhan để rẽ hoặc chuyển làn. Đỗ xe vào garage hoặc đỗ song song bên cạnh đường, giữa hai xe khác.
Vượt xe trên cao tốc khi ở tốc độ cao. Thường thì bạn sẽ phải lái ở cao tốc có đoạn không giới hạn tốc độ và phải vượt xe khác ở tốc độ cao, có thể trên 130-150 km/h.
Hơn hết, người thi phải thể hiện được mình là một người lái xe có trách nhiệm, ngoài việc tuân thủ biển báo và luật giao thông ra, họ còn phải thể hiện được sự nhường nhịn, không làm cản trở giao thông kể cả trong trường hợp không vi phạm luật. Còn rất nhiều thứ nữa mà người thi phải thể hiện đúng trong quá trình thi thực hành. Nó trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người, nhất là những người nước ngoài.
Tôi có một anh bạn người Mỹ, có tầm 15 năm kinh nghiệm lái xe nhưng thi lần đầu cũng trượt vì lùi quá nhanh lúc đỗ xe mà thiếu quan sát. Một anh bạn khác người Việt Nam, 5 năm kinh nghiệm lái ở Việt, đã trượt 3 lần thi thực hành và giờ đang học lại để thi tiếp lần 4.
Lý do trượt thì nói ra khá là nhiêu khê nhưng đa số vẫn là những thói quen không tốt từ khi lái ở Việt Nam chưa bỏ được. Nói vậy để biết việc lấy bằng lái xe ở Đức là một việc thực sự không đơn giản. Nếu người giám thị cho bạn đỗ, có nghĩa là người ta nghĩ rằng bạn có thể tự mình tham gia một cách đúng luật và có trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho chính bạn và những người tham gia giao thông khác.
Theo Nguyễn Khôi / vnexpress.net