Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Biển Đông: Malaysia vẫn “ngoại giao thầm lặng”

TBVĐ- Cho đến trước khi PCA đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Malaysia được cho là trước sau vẫn giữ cách tiếp cận “đảm bảo an toàn” ở khu vực Biển Đông, vốn được nhiều học giả quốc tế nhắc đến với cái tên “Ngoại giao thầm lặng”.

Cách tiếp cận này được Malaysia triển khai bằng cách né tránh những va chạm công khai với Bắc Kinh, thay vào đó là những hoạt động ngoại giao thầm lặng, kín đáo, giảm thiểu những rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc – quốc gia có vai trò quan trọng trong việc đầu tư tại Malaysia.

Tuy vậy, Malaysia vẫn thận trọng trong các hoạt động an ninh, kinh tế, pháp lý và ngoại giao nhằm đảm bảo yêu sách của mình, thông qua các các nỗ lực kín đáo nhằm nâng cao sức mạnh của ASEAN, tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng với bên thứ ba như Mỹ, và thậm chí là sử dụng luật pháp quốc tế để hỗ trợ cho yêu sách thể hiện qua đệ trình chung với Việt Nam lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Ranh giới ngoài Thềm lục địa (CLCS) năm 2009.

Tuy nhiên, phản ứng gay gắt của Trung Quốc trong vụ mất tích MH370 của Malaysia trên đường tới Trung Quốc năm 2013, vụ Bắc Kinh “can dự nội bộ” Malaysia năm 2014, và đặc biệt là các chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng nguy hiểm với Malysia kéo dài từ 2013 (ví dụ: tàu tuần duyên Trung Quốc vào vùng biển phía bắc đảo Borneo, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Malaysia tuyên bố chủ quyền năm 2015) đã khiến Malaysia cứng rắn hơn với Bắc Kinh thông qua các tuyên bố ngoại giao chống lại yêu sách Đường Chín Đoạn của Trung Quốc, ngay cả trên các diễn đàn ngoại giao đa phương như Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2015.

Nên lưu ý rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ quốc phòng Trung Quốc kèm với những cải tạo, bồi lập, trang bị hạ tầng quân sự, bán quân sự với tốc độ cao của Bắc Kinh tại nhiều thực thể ở Biển Đông đã thu hẹp khoảng cách an toàn của các vùng biển Malaysia, đồng nghĩa với khả năng chạm trán giữa tàu Malaysia và tàu Trung Quốc (trong bối cảnh tham vọng Trung Quốc không chỉ dừng ở Biển Đông) là rất cao. Trong đó bài học về bãi cạn Scarborough từ Philippines rơi vào tay Bắc Kinh kiểm soát (bằng vũ lực) rất đáng lưu tâm với Malaysia.

Từ năm 2016 đến nay, quan hệ Malaysia và Trung Quốc có những lúc căng thẳng khiến Malaysia phải phản ứng mạnh mẽ với Bắc Kinh (điển hình là khi các tàu của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều lần tại bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thành phố dầu mỏ Miri, nơi được xem là một trong những tổ hợp bãi ngầm lớn nhất và ít được biết đến nhất” ở bất cứ đâu trên Biển Đông).

Việc Philippines thắng kiện Trung Quốc sau phán quyết của PCA năm 2016, về lý thuyết mở ra những khả năng mới cho Malaysia trên bàn ngoại giao trước một yêu sách Đường 9 đoạn của Trung Quốc thất bại ê chề mà đa số các quốc gia trên thế giới, cộng đồng các học giả quan tâm đều ủng hộ “thượng tôn pháp luật” hay luật pháp quốc tế mà đại diện là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Một số ý kiến cho rằng đây chính là thời điểm Malaysia, cả về lợi thế lẫn thực tiễn an ninh trên biển, phải thay đổi cách tiếp cận “thầm lặng” của mình. Câu hỏi đặt ra là: “Malaysia thay thế chính sách thầm lặng bằng chính sách mới nào khả dĩ?” Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể rõ ràng.

Nguyễn Phương