Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Ba mũi tên nguy hiểm của Trung Quốc nhằm “siết” Biển Đông

TBVĐ- Tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông bao gồm nhiều quốc gia tại nhiều nhóm đảo.

Tại Quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc (TQ) cưỡng chiếm từ Việt Nam, trong khi ở Quần đảo Trường Sa, tranh chấp căng thẳng và phức tạp hơn rất nhiều khi có thêm các quốc gia khác cùng tuyên bố chủ quyền. Cụ thể; TQ, Đài Loan và Việt Nam yêu sách toàn bộ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong khi Malaysia và Philippines chỉ yêu sách đối với một số đảo và các thực thể. Brunei xác định một vùng biển có chồng lấn lên dải đá phía nam nhưng vẫn chưa đưa ra yêu sách chính thức của mình.

“Chọn thời điểm – lấp khoảng trống”

Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy TQ dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện rõ ràng và quyết đoán nhất về tham vọng trở thành cường quốc thống trị biển, và xa hơn là cường quốc toàn cầu. TQ thời gian qua đã có những bước tiến lớn. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng, với tình thế hiện nay thì khả năng Việt Nam, Philippines muốn đảo ngược tình thế, tái kiểm soát các vùng biển đã rơi vào tay TQ, nhất là các thực thể đã được Bắc Kinh bồi lấp (trái phép) và quân sự hóa, là rất khó.

TQ không ngại thể hiện tham vọng và quyết đoán thực hiện tham vọng đó. Các hành động của ông Tập dựa trên sáu chữ “chọn thời điểm – lấp khoảng trống”. Ông Tập chính thức công khai quan điểm ủng hộ TQ trở thành cường quốc biển tại một sự kiện của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản TQ vào tháng 7-2013. Chỉ vài tháng sau đó, ông Tập đã vạch ra một nghị trình được xây dựng dựa trên việc TQ tiến hành hối thúc các bên tranh chấp phải chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đưa ra, cũng như ra điều kiện để khu vực chấp nhận “các lợi ích cốt lõi” của TQ.

TQ thẳng thừng đưa tàu hải giám vào thả neo ở khu vực bãi cạn mà Malaysia tuyên bố chủ quyền hồi tháng 9-2015, sau đó rút con tàu này vào hai tháng sau đó, chỉ ngay trước khi Malaysia chủ trì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á. Không chỉ Malaysia, tầng suất hiện diện của tàu TQ trong các vùng biển chủ quyền của Việt Nam hay Philippines cũng gia tăng bất chấp các quốc gia lên án. Hay như việc TQ tận dụng thời điểm ASEAN bị chia rẽ trầm trọng trong khi Mỹ không đủ quyết tâm “ghè chân” TQ, đã nhanh chóng biến nhiều thực thể chìm tại biển Đông trở thành những căn cứ quân sự được gia cố vững chãi.

“Biến lớn thành nhỏ, biến nhỏ thành không”

TQ còn “khéo léo” trong việc “biến lớn thành nhỏ, biến nhỏ thành không”. Nói cách khác, như GS. Alexander Vuving (Trung tâm Daniel K. Inouye châu Á – Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh) từng chia sẻ, TQ tận dụng chiến lược theo “Binh pháp” của Tôn Tử – không đánh mà vẫn thắng. Mục tiêu tổng thể là giành quyền kiểm soát Biển Đông, nhưng không phải thông qua các trận đánh lớn.

Ngoài các thiệt hại chưa lường hết về con người, kinh tế, nếu nhìn rộng ra cục diện khu vực thì khi có xung đột lớn với TQ, các nước nhỏ sẽ đứng gần nhau hơn, thậm chí ngả hẳn về phía Mỹ tạo ra những khối liên minh có khả năng đối kháng mạnh mẽ với Bắc Kinh. Điển hình như khối ASEAN – nơi “cơ chế đồng thuận” đang là chìa khóa giúp TQ tháo gỡ từng ngòi nổ ra khỏi một kíp nổ lớn có khả năng đối đầu TQ. Dù vậy, nếu các sự kiện tương tự như vụ TQ hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Hoàng Sa năm 2014, vẫn tiếp diễn không tính toán đến phản ứng của các nước liên quan thì khả năng một cơ chế “ASEAN 2.0” không dựa trên nguyên tắc “lỗi thời” sẽ được thiết lập cho phép đối đầu TQ. Vì lý do này, TQ luôn tìm cách “hóa giải” những căng thẳng, điển hình như vụ PCA “tuyên án tử” với Đường chín đoạn.

Bắc Kinh đã không ngại dùng hàng loạt các biện pháp kinh tế để khiến Tổng thống Philippines ông Duterte phải ngợi khen Bắc Kinh là “tử tế” mà lờ đi phán quyết – một thắng lợi vô cùng quan trọng mà Manila phải cân não và tốn không ít công sức để đạt được. Chính sách kiểu “lấy kinh tế làm mờ nhạt xung đột, mâu thuẫn” này vốn đã từng được TQ áp dụng với Ấn Độ trong tranh chấp biên giới hai nước. Bằng cách này, Bắc Kinh vô hình chung đẩy xa được giới hạn chịu đựng của các nước – cũng là giới hạn “vùng xám”, nơi có thể xảy ra những cuộc chạm trán vũ trang. Cách tiếp cận này chắc chắn sẽ tiếp tục được Bắc Kinh tăng cường mà đại dự án “Một Vành đai, Một Con đường” là một công cụ chủ lực.

Các gói hỗ trợ, đầu tư của TQ chắc chắn không phải là một sự hào phóng, mà phía sau là những ảnh hưởng khiến các quốc gia phải cân nhắc việc đối đầu mạnh mẽ với Bắc Kinh mỗi khi ông Tập có bước đi táo bạo.

Chiến lược “chống tiếp cận”

TQ dường như khá thành công khi thực hiện chiến lược “chống tiếp cận” trên các vùng biển tranh chấp. Việc tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự trên các thực thể ở biển Đông cho thấy việc xẻ nhỏ các vùng địa lý để ngăn chặn khả năng hội tụ sức mạng của các nước trong khu vực.

Một điểm đáng lưu ý là, các dự án cơ sở hạ tầng hiện nay của TQ đã làm gia tăng đáng kể sự hiện diện của tàu TQ ở các khu vực phía Nam của Đường Chín đoạn – điều mà TQ có thể sử dụng để chống các phương tiện các quốc gia tiếp cận các vùng biển mà TQ tham vọng chiếm lĩnh. Hiểu theo thuyết cờ vây, nghĩa là TQ không chỉ dùng các căn cứ quân sự tại các điểm trọng yếu, mà còn tận dụng các dự án kinh tế, hạ tầng trên biển (dưới dạng thức vỏ bọc phi quân sự) để tăng cường hiện diện, vây hãm hoặc cô lập các quốc gia còn lại (ngay cả Mỹ) đến khi có khả năng kiểm soát hoàn toàn tình hình tại khu vực.

Ví dụ, TQ đã chiếm quyền kiểm soát Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Bãi Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough ở phía đông bắc của Biển Đông – nơi có thể “tạo thành một cụm bốn điểm mà từ đó, với bán kính 250 hải lý, có thể theo dõi chặt chẽ toàn bộ khu vực chính của Biển Đông. Tại quần đảo Trường Sa, các đá Xu bi, Vành Khăn và Chữ Thập tạo ra một tam giác hoàn hảo để bao phủ toàn bộ quần đảo”.

Để đánh giá chính sách của TQ ở Biển Đông, không thể không lưu ý đến vai trò của Mỹ. Chiến thắng của Donald Trump của Mỹ đã tạo ra lợi thế trước mắt cho TQ, khi cho đến nay ông Trump chưa có dấu ấn gì tại khu vực. Ngay cả việc tiếp tục chiến lược tái cân bằng thời Obama của Trump cũng bất định và không rõ ràng, nếu không muốn nói là không mạch lạc. Trong bối cảnh đó, ông Tập sẽ tiếp tục thúc đẩy ba chính sách đã nêu trên, đó là khảo lấp khoảng trống quyền lực, vừa tấn công trên biển nhưng xoa dịu trên các diễn đàn kinh tế, đồng thời tăng cường hiện diện trên biển để cô lập đối phương.

Thùy Anh