Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đối thoại với người thầy tại Đức nhân ngày Nhà giáo

Ảnh: Nhân vật cung cấp

TBVĐ- “Người thầy giỏi chuyên môn chưa đủ mà phải là người khách quan, độ lượng, hiểu được tâm lý các đối tượng học sinh để có thể “làm bạn”, coi học sinh như em mình, con mình.”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thế Tuyền, nhân vật trong tháng 11 của Thời báo Việt Đức – người từng là thầy giáo ở Việt Nam và ngay tại nước Đức với nhiều đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam trong nhiều năm qua.

“Hiểu biết mà không giúp đồng bào là có lỗi”

+ Phóng viên: Thưa ông, được biết ông từng là giảng viên của ĐH Bách Khoa TP.HCM, một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu Việt Nam từ xưa đến nay. Động lực nào thúc đẩy ông quay trở lại Đức để tiếp tục xây dựng sự nghiệp?

. Ông Nguyễn Thế Tuyền: Tôi còn nhớ trong giai đoạn những năm 1987-1988, nền kinh tế và xã hội ở Việt Nam vẫn trong tình trạng khủng hoảng rất nặng nề. Cũng vào thời gian đó, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức và Việt Nam ký kết Hiệp ước chính phủ về việc đưa người lao động Việt Nam sang Đức làm việc, vừa để đáp ứng nhu cầu tuyển lao động nước ngoài của CHDC Đức, vừa là nghĩa cử trả ơn nước Đức đã giúp Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh chống Mỹ. Người ta cần những người biết tiếng Đức để làm đội trưởng hoặc phiên dịch cho những đoàn công nhân hợp tác. Tôi là một trong những người được đào tạo ở CHDC Đức quyết định ra đi với hai mục đích, giúp gia đình khi kinh tế đang rất khó khăn và dự kiến sang bên đó liên lạc với Trường đại học cũ để theo học Tiến sĩ.

+ Từ một giảng viên giảng dạy cho hàng ngàn em sinh viên ở Việt Nam trở thành người giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Đức qua những dự án về dịch thuật, giúp người Việt hòa nhập cộng đồng. Điều gì đã thôi thúc ông gắn bó với những công việc như vậy?

. Sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, nhiều người Việt ở lại bỡ ngỡ với chế độ chính trị mới. Có những khi họ phải trả giá đắt vì không hiểu biết và “không biết hỏi ai”. Tôi nghĩ mình có điều kiện tìm hiểu để biết nước Đức tốt hơn họ nên phải giúp đồng bào mình. Nếu có thể giúp được mà tôi chỉ dành thời gian cho việc làm ăn của mình thì tôi cũng một phần có lỗi, giống như một người lạ hỏi đường mà tôi không chỉ tường tận. Tôi đã giúp dịch giấy tờ, dạy tiếng Đức, nói về tổ chức xã hội Đức cho những người lao động. Tôi cảm thấy vui khi được đóng góp chút sức lực cho đồng bào mình và vì thế tôi đã làm tiếp công việc mình đã chọn.

Nhìn nhận sự khác biệt về giáo dục hai quốc gia

+ Là người từng dạy học tại Việt Nam và cả tại Đức. Đồng thời cũng làm những dự án liên quan đến giáo dục. Ông có thể chia sẻ điểm khác biệt đáng chú ý nào khi so sánh giáo dục Việt Nam và Đức?

. Nước Đức đặt nặng giá trị giáo dục tính tự lập để mỗi người tự quyết định đường hướng cho cuộc sống của họ, cụ thể là sống có trách nhiệm với chính mình và xã hội, lấy lương tâm và luật pháp để cân nhắc những hành động họ làm, nếu gặp khó khăn thì tìm lối thoát chung cho cả cộng đồng chứ không chỉ cho từng cá nhân đơn lẻ. Nước Đức đào tạo cách làm người song song với chuyên môn khoa học, phù hợp  từng lứa tuổi. Ví dụ các cháu được học tất cả những gì các cháu nhìn thấy khi rời khỏi nhà, như cây cỏ, con chó con mèo, đường phố, nhà trường, chú công an, bến xe buýt, vệ sinh, ăn uống và đặc biệt là cách ứng xử với những người xung quanh. Nhà trường Đức luôn khuyến khích học sinh có quan điểm riêng chứ không nghĩ hộ, đánh giá đúng sai giúp học sinh. Tính đa dạng là một trong những yêu cầu rất lớn cho sự phát triển nhân cách con người.

Trong khi đó, giáo dục Việt Nam chú trọng dạy chữ nhiều hơn dạy làm người. Việc học thêm khi còn quá nhỏ và áp lực điểm đã phần nào làm thui chột tính sáng tạo khi học sinh trưởng thành. Phần lớn theo đuổi mục đích học tốt để có công ăn việc làm tốt, có thu nhập tốt. Ít người có được cảm giác, học được một điều mới lạ chính là phần thưởng của tạo hóa ban phát. Ở Việt Nam người ta chú trọng nhiều đến các môn như Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh. Những môn Tiếng Việt, lịch sử, luân lý có phần bị coi nhẹ hơn.

+ Còn vai trò, tầm quan trọng của gia đình trong chuyện giáo dục thì sao thưa ông?

. Vì bản năng làm bố làm mẹ nên người Việt hay xót con, làm giúp con rất nhiều việc đáng lẽ chúng phải tự làm. Thương con kiểu đó tức là góp phần làm cho chúng bỡ ngỡ hơn khi phải xa gia đình. Người Việt ủy thác rất nhiều cho nhà trường trong việc giáo dục con, kiếm tiền để con cần thì cung cấp đầy đủ với hy vọng chúng sẽ học tốt. Bố mẹ người Việt còn tham gia định hướng cho con trong việc chọn nghề, chọn trường, chọn ngành, theo hình dung của họ. Họ không biết  quan niệm của họ có thể không còn phù hợp nữa.

Bố mẹ Đức đều là thầy cô giáo của tuổi thơ. Bà mẹ trẻ dẫn con ra siêu thị chỉ từng củ cà rốt, xu hào, các loại hàng, cách xếp hàng trả tiền, giữ trật tự… Mỗi lần nhà trường nghỉ là cho các cháu đi du lịch để trải nghiệm. Họ yêu cầu tính tự lập rất cao. Nếu bé hai tuổi ngã phải tự đứng dậy, không được khóc vì lỗi đó là của em đi không cẩn thận. Các em phải tự dọn đồ chơi trong phòng, tự mặc quần áo, bố mẹ không giúp. Không mấy khi các em được bế trên tay.

+ Một thực tế là trẻ em Việt nói chung và ngay cả tại Đức nói riêng, khi còn học phổ thông thì thành tích học tập hay điểm số rất cao. Nhưng ở môi trường đại học trở lên, có ý kiến cho rằng họ trở nên mờ nhạt và ít thành tựu. Ông có nghĩ như vậy không? Xin ông lý giải?

. Cho đến khoảng năm 2010, học sinh Việt Nam ở Đức được đánh giá là nhóm người nước ngoài có thành tích học tập rất tốt. Đó là thế hệ con cái của những người Hợp tác lao động. Tỷ lệ các cháu vào trường chuyên cao hơn so với học sinh các cộng đồng nước ngoài khác. Nhưng hiện nay, thành tích này không được như xưa nữa. Chưa cần nói ở bậc đại học, các cháu lớp 11 và 12 (cuối phổ thông) thành tích chỉ ở mức trung bình, một phần do bố mẹ không còn thời gian quan tâm đến con. Thế nhưng rất ít học sinh tìm trường đào tạo nghề mà phần lớn vẫn cố gắng vào đại học.

Ở Việt Nam được vào một trường đại học là một kỳ tích, vì học sinh phải trải qua một kỳ thi tuyển chọn. Ở Đức vào đại học dễ dàng chỉ thông qua xét điểm học trong trường phổ thông. Ở Việt Nam, 90% sinh viên có thể ra trường, trong khi ở Đức tỷ lệ tốt nghiệp so với lúc nhập trường khá thấp, dưới 30%, có những ngành chỉ 15%. Theo tôi, nhiều người cứ nghĩ được nhận vào trường đại học là khả năng tốt nghiệp cũng khá cao. Ít người khách quan nhìn nhận khả năng con em mình để chọn trường, cấp học cho phù hợp. Đối với nhiều sinh viên, chương trình đào tạo đại học quá sức các cháu, nên thành tích có phần mờ nhạt như anh chị nói.

Suy nghĩ về nghiệp “làm Thầy”

+ Trong câu chuyện về dạy và học mà ông từng trải nghiệm ở cả hai đất nước, theo ông phẩm chất nào là quan trọng nhất đối với một người làm thầy?

. Người thầy giỏi chuyên môn chưa đủ mà phải là người khách quan, độ lượng, hiểu được tâm lý các đối tượng học sinh để có thể “làm bạn”, coi học sinh như em mình, con mình. Người thầy không được phép chê học sinh dốt, mà ngược lại phải tự trách mình chưa tìm được phương pháp đúng cho đối tượng này. Người thầy không những truyền kiến thức cho học sinh mà còn phải truyền cách tư duy, bình tĩnh nhìn nhận một vấn đề.

+ Trong ông có tồn tại trăn trở nào đối với công việc nghề giáo hiện nay đối với thế hệ trẻ Việt Nam ở quê hương và ngay tại nước Đức?

. Trong thời đại kỹ thuật số, nghề giáo cũng cần thường xuyên phải đổi mới mình. Ở Đức năm nào thầy giáo cấp III cũng phải đến trường đại học sát hạch kiến thức. Cứ 4 đến 5 năm, sách giáo khoa phải đổi mới hoàn toàn. Nội dung các môn học liên quan chặt chẽ với nhau, ví dụ Địa lý và Chính trị, Hóa và Sinh vật, bài tập toán cũng đệm vài ba câu hỏi bằng tiếng Anh. Ở Việt Nam nếu có những quy định như thế này có lẽ cũng không thể thực hiện được, nên sự bắt nhịp với cái mới nhất bị hạn chế. Sách giáo khoa và giáo trình học tập vẫn mang nhiều nội dung của thế kỷ trước, không có sự cạnh tranh để sách giáo khoa hấp dẫn hơn. Tôi nghĩ từ bắc chí nam cùng một sách giáo khoa là không hợp lý. Người soạn sách giáo khoa phải là những người đã từng là thầy cô giáo lâu năm, chứ không phải là chuyên gia về một môn học. Thầy cô giáo cần có ngoại ngữ để tham khảo chương trình giáo dục của nước ngoài. Ví dụ ở Việt Nam người ta cho một bài toán tính diện tích tường của một căn phòng khi cho cho chiều dài, chiều rộng, chiều cao, diện tích cửa sổ, cửa ra vào. Ở Đức cũng bài toán với nội dung ấy nhưng người ta yêu cầu thế này. Họ cũng cho kích thước căn phòng dài, rộng, cao, cho diện tích cửa sổ, cửa ra vào. Nhưng câu hỏi có thể là: Người ta muốn quét vôi căn phòng này hai lần. Một thùng vôi 10 kg dùng để quét cho 15 m2. Chủ nhà phải trả bao nhiêu tiền cho việc mua vôi, trong đó có tính đến giá trị gia tăng 19%? (Nếu tính ra phải mua 3,2 thùng thì các em phải quyết định mua 4 thùng, chấp nhận thừa)

+ Ông mong muốn điều gì về nền giáo dục và những thế hệ trẻ Việt Nam đang học tập tại quê hương?

. Tôi chỉ mong ngành giáo dục Việt Nam đối thoại, trao đổi thành tâm với những người quan tâm đến giáo dục ở trong nước cũng như nước ngoài. Tố chất của học sinh Việt Nam thông minh và năng động, nhưng nền giáo dục không bắt kịp thời đại đã mang đến cho họ thiệt thòi. Ví dụ sinh viên Việt Nam sang Đức học thường bị lúng  túng về cách học và tự nghiên cứu ở châu Âu, lúng  túng trong việc tìm cốt lõi của vấn đề. Tôi mong lược bớt một số môn và một số nội dung không cần thiết để dồn sức vào các môn trọng tâm. Chẳng hạn môn lịch sử ở ta chỉ dạy sự kiện xảy ra, ít phân tích những sai lầm, tức là phải coi các em là những nhà sử học chứ không phải chỉ là những người học sự kiện. Trả lời những câu hỏi kiểm tra các em phải thể hiện quan điểm riêng, nên việc cấm dùng tài liệu là điều không cần thiết.

+ Cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Tâm tư ngày Nhà giáo Việt Nam

+ Là một nhà giáo và nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, ông có điều gì nhắn nhủ đến những người cầm phấn trên bục giảng ở quê hương?

. Họ là những người đồng nghiệp của tôi, chắc họ cũng có nguyện vọng như tôi là làm sao nền giáo dục nước nhà tiên tiến để đào tạo ra lực lượng sản xuất đặc biệt trong thời đại Toàn cầu hóa ngày nay. Nhưng có lẽ họ không làm gì được trong một cơ chế như hiện nay. Tôi muốn trước hết thay đổi cơ chế, ví dụ điểm vào Đại học sư phạm phải cao, lương thầy cô giáo phải đủ sống để họ không cần làm thêm. Có thể tham khảo kinh nghiệm này của Đức: Thầy cô giáo không cho việc khen ngợi hết lời một học sinh điểm tốt để các em khác noi theo, mà họ nghĩ làm như thế các em khả năng yếu hơn sẽ tủi thân và không mạnh dạn, thậm chí đánh mất tự tin. Tạo điều kiện để các em trình bày quan điểm của mình trước đám đông ngay từ khi các em còn nhỏ.

 

Văn Hồng – Cẩm Chi (thực hiện)

Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 11.2017

Ý kiến

  1. Những chia sẻ hết sức thuyết phục của một người thày hiểu rõ nền giáo dục của cả 2 quốc gia Việt & Đức, hy vọng những ý kiến hữu ích này của ông Tuyền sẽ giúp cho nền giáo dục của cả 2 quốc gia cùng phát triển.

Hoàn thành bình luận