Ngày 20/12, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tiến gần mốc cao kỷ lục với mức tăng hơn 8%, trong khi lượng khí đốt Nga cung cấp cho Đức qua đường ống Yamal – châu Âu giảm mạnh.
Tình trạng giá khí đốt tăng vọt ở châu Âu trong năm nay đã kéo theo đà tăng chóng mặt của giá điện, làm dấy lên lo ngại lạm phát leo thang và đẩy các nhà cung cấp năng lượng ở Anh bên bờ vực sụp đổ.
Giá khí đốt trong tháng giao ngay (tháng gần nhất trong hợp đồng tương lai) của Hà Lan hiện là 146 euro/MWh, sau khi có lúc đạt mức 146,73 euro/MWh và chạm mốc cao nhất từ trước đến nay là 155 euro/MWh vào tháng 10.
Trong khi đó, dữ liệu của nhà điều hành vận chuyển khí đốt Gascade (Đức) công bố cho thấy lượng khí đốt được bơm từ Nga đã giảm sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hôm 17/12 bắt đầu nạp khí đốt vào nhánh hai của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Theo đó, lượng khí đốt vận chuyển tới Đức qua trạm nén khí Mallnow ở biên giới Đức – Ba Lan hiện là 370.000 kWh/h, giảm mạnh so với mức hơn 1,2 triệu kWh/h hôm 18/12 và mức 10 triệu kWh/h hôm 17/12. Lưu lượng trung bình trong tháng này dao động từ 9 – 12 triệu kWh/h.
Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, dành khoảng 30% đường ống vào phút chót để cung cấp khí đốt cho Đức qua Ba Lan. Việc xây dựng lại các kho dự trữ của châu Âu đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng tiếp tục thiếu nguồn nhiên liệu này. Tuy nhiên, bất chấp mức giá giảm mạnh, giá khí đốt vẫn tăng gần 17% trong tuần qua.
Điều này một phần là do thời tiết lạnh giá dự kiến ở châu Âu vào tuần tới và dự trữ khí đốt ở mức thấp trong thời điểm này trong năm. Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine cũng gây ra sự xáo trộn trên thị trường. Chính phủ mới của Đức cảnh báo sẽ chặn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang.