Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nhiều cặp vợ chồng người nước ngoài sang Việt Nam để thụ tinh trong ống nghiệm

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cách đây 25 năm, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), với sự kế thừa kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của thế giới, 3 “em bé ống nghiệm” đầu tiên của Việt Nam đã ra đời khỏe mạnh vào đúng ngày kỷ niệm thống nhất đất nước. Đây được xem là cột mốc lịch sử quan trọng của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, 30/4 là Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng đây còn là ngày hết sức có ý nghĩa và đáng tự hào đối với ngành y tế TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, ngày 30/4/1998 đã diễn ra sự kiện lịch sử khi Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và 3 em bé đầu tiên đã ra đời bằng phương pháp này. Đây cũng là chiếc nôi đầu tiên triển khai và dẫn đầu cả nước về kỹ thuật này.

Tại chương trình, ông Tăng Chí Thượng cũng đã gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y, bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, dù điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn triển khai thành công kỹ thuật, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho các gia đình.

“Để có ngày lịch sử ấy là sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, trong đó không thể không nhắc đến Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm trong nước”, ông Tăng Chí Thượng cho biết.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người trực tiếp tạo nên cuộc sống kỳ diệu của ba trẻ đầu tiên trong ống nghiệm chia sẻ: “Hồi đó tôi mơ mỗi tỉnh sẽ có một Trung tâm hỗ trợ sinh sản. Hiện nay thì chưa được mỗi tỉnh, nhưng cả nước chúng ta cũng đã được 40 – 50 Trung tâm hỗ trợ sinh sản. Điều đó giúp cho người dân ở tại chỗ có thể điều trị được, người ta không phải đi lên Hà Nội, không phải đi lên TP Hồ Chí Minh bỏ nhà cửa không ai trông”.

Theo Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, có những kỹ thuật Việt Nam làm tốt hơn ở nước ngoài và hiện nay có nhiều bác sĩ, nhiều kỹ thuật viên ở nước ngoài, không phải chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn ở các nước phát triển như Úc, Đức, Pháp hay Mỹ… cũng qua Việt Nam để học tập bác sĩ, chuyên gia Việt Nam. Hiện có rất nhiều cặp vợ chồng nước ngoài đến Việt Nam không phải để đi du lịch mà để điều trị, thụ tinh trong ống nghiệm.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ cho biết, 25 năm trước, với vai trò là một bác sĩ trẻ, anh đã rất tự hào khi là một trong những bác sĩ vinh dự được chào đón những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Niềm vui vỡ òa của gia đình khi con chào đời luôn in đậm trong lòng anh. Cảm xúc ngày hôm nay khi gặp lại những đứa trẻ ấy vẫn rất bồi hồi và xúc động.

Từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón trên 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Trong khi đó, số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000 đến 60.000 lượt. Tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây là hơn 22.000 ca. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ. Tỉ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.

Là một trong 3 bé được thụ tinh đầu tiên trong ống nghiệm, em Mai Quốc Bảo vui mừng và xúc động khi được gặp lại các y, bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật này. “Em muốn gửi lời nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ đang hiếm muộn, vất vả trên con đường tìm kiếm con hãy yên tâm, đừng từ bỏ dù còn chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi, hãy tin vào các y bác sĩ”, Mai Quốc Bảo chia sẻ.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn: baotintuc.vn